You are here: Trang chủ Bí quyết làm đẹp Xông lá - tắm hơi thảo dược bình dân

Xông lá - tắm hơi thảo dược bình dân

PDF.InEmail

tam-xong-hoi-_CLB-Yoga-298Người Việt Nam thường xông hơi khi bị cảm, nhức đầu, sổ mũi, nghẹt mũi, viêm họng, nhức mỏi, hoặc xông để giải nhiệt, giải độc… Phương pháp này được ví như một cách tắm hơi có kèm dược liệu.

 Trong một nồi lá xông thường có nhiều loại lá đa dạng. Mỗi loại thảo dược có một tác dụng chữa những chứng bệnh riêng mà không phải ai cũng rõ. Để có được nồi lá xông mang lại hiệu quả cao, lương y Đinh Công Bảy - Tổng thư ký Hội Dược liệu TP.HCM đã phân loại lá xông để chữa các chứng bệnh cụ thể:

1. Chữa cảm cúm không ra mồ hôi: dùng ba-năm loại lá có tinh dầu như: lá chanh, lá bưởi, lá tía tô, kinh giới, bạc hà, lá sả, tần dày lá (húng chanh), húng quế, ngũ trảo, từ bi, long não, lá tràm, bạch đàn, ngải cứu, bồ bồ (thủy xương bồ)… xông cho ra mồ hôi, lau khô, thay quần áo khác, nằm nghỉ, tránh nơi gió lùa.

2. Chống sưng do côn trùng hay sâu bọ cắn: lá khuynh diệp + lá hoắc hương + lá long não + lá sả. Nấu sôi, xông vào những chỗ bị cắn hoặc xông cho quần áo của mình để tránh côn trùng hay sâu bọ.

3. Chữa mụn nhọt, lở loét: lá ké đầu ngựa, lá bồ hòn, lá nghể răm, lá thuốc bỏng. Nấu nước để xông và tắm chữa mụn nhọt, lở loét.

4. Chữa đau nhức do phong thấp: lá hoắc hương, tía tô, cây hy thiêm, lá ngải cứu, đơn tướng quân mỗi thứ 30-40g. Hoặc dùng: lá lốt, cây trinh nữ (xấu hổ, mắc cỡ) mỗi thứ 40g - 50g, lá long não 20g - 30g, quế chi 15g. Nấu nước để xông vào chỗ đau.

Trường hợp chân bị đau nhức, giãn tĩnh mạch, nên xông và ngâm thuốc như sau: nấu lá ngải cứu, lá lốt, hoặc gừng, sau đó đổ ra chậu, pha nước ấm, xông rồi ngâm chân. Ngâm xong, nằm kê cao chân và xoa bóp, vuốt ngược từ bàn chân lên đùi để máu về tim dễ dàng. Có thể uống thêm các loại trà thảo dược có tác dụng làm bền thành mạch máu như: hoa hòe, hoa cúc.

5. Giải độc, giảm stress, hạ huyết áp: dùng các loại lá có tinh dầu thơm như trên, kết hợp với một vài loại hoa thơm như hoa hồng, hoa cúc, hoa sen, hoa lài, hoa bưởi…

Lưu ý: những trường hợp cảm cúm chỉ cần xông một - hai lần, không nên xông quá nhiều sẽ làm mất nước, gây ra các tác hại khác. Không xông đối với trường hợp cảm thử có triệu chứng: ra nhiều mồ hôi, hoa mắt chóng mặt, buồn nôn, mặt đỏ, chao đảo, mệt lả; những người bị bệnh tim mạch, bệnh ngoài da, phụ nữ mang thai, những người hay ra mồ hôi, mất máu nhiều, mới ốm dậy, người cao tuổi, trẻ em… Trước khi xông cần làm sạch cơ thể, không tắm ngay sau khi xông vì lỗ chân lông đang hở, nếu gặp lạnh sẽ bít lại, không thoát được nước, dẫn đến máu huyết không lưu thông. Chỉ nên để nhiệt độ xông cao hơn nhiệt độ cơ thể 7 - 8oC, không được xông quá 30 phút. Trong quá trình xông, nếu thấy các triệu chứng lạ như: khó thở, tức ngực, choáng váng, bủn rủn… thì cần ngưng ngay và đến bệnh viện nếu là trường hợp khẩn cấp.

Hà Nam (ghi)
Theo Báo Phụ Nữ TP.HCM

 

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Security code
Refresh

Joomla Templates and Joomla Extensions by JoomlaVision.Com

Phản hồi mới nhất

Gallery HLV CLB Yoga 298

may tinh bang-dien thoai vo go-sửa nhà

máy tính bảng-vỏ gỗ-sửa chữa nhà