Tẩy tế bài chết giúp loại bỏ những tế bào già cỗi, những chất cặn bã lẫn độc tố trên bề mặt da, đem lại cho làn da sự mịn màng, tươi trẻ… dẫu vậy, nếu tẩy tế bào chết không đúng cách, đặc biệt với da mặt thì việc sở hữu là da mỏng, dễ thâm nám, dị ứng là điều khó tránh khỏi.
Tẩy tế bào chết da mặt
“Tuần rồi mình mới tẩy tế bào chết có 3 lần thôi, vì chẳng có thời gian…”; “Tẩy tế bào chết bằng muối làm cho da mặt mịn màng và giảm mụn nữa…”. Đây là những “kinh nghiệm” tẩy tế bào chết hoàn toàn sai lầm đang được nhiều thành viên trên diễn đàn LCM…com chia sẻ. Vậy thực tế, tẩy tế bào chết thế nào là đúng? Theo chuyên viên chăm sóc da Thanh Hiền (Spa Belass) thì tẩy tế bào da mặt 1 lần/tuần là đúng tiêu chuẩn nhất, vì khoảng thời gian này đủ đảm bảo độ an toàn cho da, không làm cho da bị “mòn” mà còn giúp đẩy nhanh sự tái tạo da, làm giảm đốm nâu và làm sạch lỗ chân lông. Bên cạnh đó, da cũng dễ hấp thu mỹ phẩm dưỡng tốt hơn. Nếu tẩy tế bào chết nhiều hơn một lần/tuần sẽ dẫn đến những tác động ngược không tốt cho da, đồng nghĩa với việc làm mất đi tính chất có ích, khiến da mỏng và liên tục bị làm mất đi lớp tế bào sừng mới hình thành, da trở nên khô, dễ tổn thương, bắt nắng, dẫn đến sạm nám.
Cũng theo chị Thanh Hiền, việc lựa chọn mỹ phẩm tẩy tế bào chết rất quan trọng. Với da thường có thể sử dụng sản phẩm tẩy tế bào dạng gel, da nhờn phù hợp với sản phẩm có chứa những “hạt cát” li ti, da khô nên tẩy bằng nguyên liệu từ thiên nhiên như trái cây… Đặc biệt không được sử dụng muối để tẩy tế bào chết cho da mặt. Nên lưu ý, khi tẩy tế bào chết da mặt tuyệt đối tránh tẩy vùng da quanh mắt vì đây là vùng da mỏng, nhạy cảm và dễ bị tổn thương. Khi tẩy nên lấy hai đầu ngón tay massage nhẹ nhàng theo hình tròn nhỏ hoặc xoắn ốc, tránh chà xát mạnh gây tổn thương cho da.
Tẩy tế bào chết toàn thân
Giống như da mặt, lớp da toàn thân cũng có lớp tế bào chết khá “dày dặn” làm cho làn da có vẻ già cỗi và thiếu đi sự mượt mà. Tuy nhiên, việc lấy đi các tế bào chết này lại khác với vùng da mặt và nguyên liệu tẩy cũng mạnh hơn gấp 2 - 3 lần. Loại dùng tẩy tế bào chết toàn thân phổ biến và được sử dụng nhiều trong các spa là muối, hoặc cà phê. Theo chị Thanh Hiền thì tẩy tế bào toàn thân bằng muối, ngoài việc lấy đi lớp tế bào chết còn là “kháng sinh” giúp ngăn ngừa và làm sạch những vùng da mụn như: ngực, lưng… Tuy nhiên, với làn da nhạy cảm không nên sử dụng muối để tẩy vì dễ gây kích ứng, đau rát cho da. Phương pháp sử dụng cà phê đã qua sơ chế để tẩy tế bào chết được xem là khá hữu hiệu, phương pháp này còn làm cho da trở nên mềm mượt.
Chuyên viên tư vấn tại Spa Belass cho biết cách tẩy tế bào chết toàn thân cũng khá đơn giản, chỉ cần làm ướt da sau đó thoa nguyên liệu tẩy lên da rồi xoa nhẹ nhàng theo hình vòng tròn hay xoắn ốc trong vòng 5 - 10 phút, sau đó xả lại với nước. Ngoài ra, chị em cũng có thể tự tẩy tế bào chết tại nhà. Cách tẩy cũng tương tự như trên nhưng nên tập trung vào vùng da sần, sậm màu như: khuỷu tay, đầu gối, mắt cá chân… Các chuyên viên tư vấn cũng lưu ý chỉ nên tẩy tế bào chết toàn thân từ 1 – 2 lần/tuần.
Chăm sóc da sau khi tẩy tế bào chết
Hầu hết mọi chị em đều có quan niệm sai lầm rằng chỉ cần tẩy tế bào chết là… đủ đẹp mà quên hẳn bước chăm sóc cần thiết là cung cấp dưỡng chất cho làn da vừa tẩy. Các chuyên viên chăm sóc da đều cho rằng, làn da vừa tẩy là lúc dễ hấp thu dưỡng chất nhất, vì vậy nên đắp mặt nạ ngay sau khi tẩy tế bào chết hoặc sử dụng mỹ phẩm chăm sóc như cream dưỡng da. Với loại mặt nạ dành cho da vừa tẩy tốt nhất nên sử dụng mặt nạ được chế từ trái cây như: khoai tây, bí đỏ, dưa leo, bơ, chuối… kết hợp với sữa tươi hoặc sữa chua. Tránh sử dụng mặt nạ dưỡng được chế từ trái đu đủ và dâu tây. Chỉ cần nghiền nát trái cây, sau đó trộn chung với sữa tươi hoặc sữa chua theo tỉ lệ 2/1 tạo thành hỗn hợp sền sệt. Đắp lên mặt khoảng 20 phút, sau đó rửa sạch bằng nước ấm. Tuy nhiên, sau khi tẩy tế bào chết, làn da cần được che chắn kỹ, đặc biệt dưới ánh nắng mặt trời và khói bụi.
Theo BS. Ái Liên - BV. Da Liễu TP.HCM thì tẩy tế bào da chết đúng cách sẽ mang lại làn da đẹp, hạn chế được mụn cám, nhưng không phải trường hợp nào cũng tẩy được da chết. Với những người thường xuyên phải đi nắng, sống trong môi trường khói bụi hoặc đang bị trứng cá bọc tuyệt đối không được tẩy tế bào chết vì điều này chỉ càng làm đầy vi khuẩn, kích thích lỗ chân lông giãn to và những mụn mủ ngày càng lan ra nhiều hơn. Với người có làn da khô và mẫn cảm nên hạn chế tẩy tế bào chết. Đối với tẩy tế bào chết toàn thân nên tránh những vùng da bị trầy xước, vì những nguyên liệu tẩy có thể ngấm vào vùng vết thương dễ gây nhiễm trùng, sưng tấy hay vết thương lan rộng, lâu khỏi.
Cách làm mặt nạ tẩy tế bào chết tại nhà Lấy lòng trắng trứng, trộn với vài giọt nước cốt chanh rồi thoa lên mặt, để khoảng 20 phút rồi rửa sạch. Da bạn không chỉ được lấy đi các tế bào chết mà còn sáng và đỡ nhờn hơn. Xay nhỏ vỏ cam, trộn với một chút mật ong và sữa chua, massage mặt trong 5 phút rồi rửa sạch. Độ ráp của các mảnh vỏ cam cùng với tinh dầu, acid và nhiều chất khác từ các nguyên liệu trên sẽ đem đến cho bạn làn da tươi mới. Xay nhỏ dâu tay, trộn với sữa chua, đắp lên mặt trong chừng 10 phút. Lấy bột đậu đỏ hoặc đậu nành trộn chung với sữa chua hoặc sữa tươi thành hỗn hợp, thoa đều lên mặt để khoảng 20 phút. Nghiền nhỏ đu đủ chín, thoa lên mặt chừng 10 phút, có thể trộn thêm mật ong hoặc sữa tươi
(Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN,SKDS)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|