Phong trào tập yoga giữ sức khỏe lan rộng đến cả "giới"... bầu bí. Chị em hoặc tìm lớp tập, hoặc mua đĩa về tập tại nhà.
Linh (Từ Liêm, Hà Nội) khiến mọi người phải “bái phục” bởi tuy vóc dáng nhỏ nhắn, cô vẫn sinh thường đứa con đầu lòng nặng tới 4,5 kg. Linh cho rằng cô vượt cạn dễ dàng là do chuyên cần tập yoga khi mang bầu.
Mẹ khỏe, con xinh nhờ yoga
Linh bắt đầu tập yoga khi bước sang tháng thứ tư của thai kỳ. Linh cho biết trước khi tập, cô đã tham khảo ý kiến của bác sĩ và các giảng viên yoga. “Khi bắt đầu mang thai, mình luôn có cảm giác mệt mỏi. Từ sau khi tập yoga, mình cảm thấy cơ thể khỏe lên rất nhiều, không bị mỏi lưng và phù chân như những bà bầu khác”.
Linh cho hay, trong quá trình tập, cô và các thai phụ cùng lớp còn chia sẻ với nhau những kinh nghiệm chăm sóc bản thân, gia đình và chuẩn bị chào đón thành viên mới. “Mọi rắc rối hay phiền muộn, chị em đều cố gắng giải tỏa ngay trên lớp để tinh thần được thoải mái, vì thế cả tinh thần lẫn thể chất đều khá lên nhiều. Mình đang rủ mấy chị em cùng lớp đăng ký một lớp tập cho phụ nữ sau sinh đây”.
Mai Hương, 31 tuổi (Đống Đa, Hà Nội), người vừa sinh con thứ hai, cho biết trong lần mang thai em bé này, chị khỏe hơn hẳn so với lần bầu bí đầu tiên nhờ tập yoga. "Các chuyên gia nói do việc tập giúp điều hòa nội tiết, cân bằng thần kinh, tâm lý và cả cơ thể nên tôi luôn thấy khỏe khoắn, dễ chịu". Chị cho biết khi tham gia các lớp học yoga, bà bầu còn được tư vấn về kỹ năng sống giữa gia đình và chuẩn bị cho những biến đổi tâm lý của bản thân người mang bầu.
Tập đúng cách sẽ không sợ nguy hiểm
Theo quan điểm truyền thông, các loại vận động đều là điều cấm kỵ với phụ nữ mang thai. Vì thế, nhiều bà mẹ khi nghe con gái, con dâu mang bầu nói sẽ tập yoga thì phát hoảng lên và ngăn cấm.
Từ trước khi có bầu, Tuyết (Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội) đã được chị em trong công ty mách rằng tập yoga sẽ tốt cho cả mẹ và con. Vì thế khi sang tháng thứ tư, cô đăng vào một lớp yoga cho bà bầu. Khi mẹ chồng cô biết chuyện, bà khăng khăng không cho con dâu đến lớp. “Mình đã giải thích rằng yoga cho bà bầu rất nhẹ nhàng, tốt cho mình và cho con nhưng mẹ chồng dứt khoát bảo đã chửa là không tập tành gì hết, nguy hiểm lắm". Còn mẹ chồng của Trang (Hoàng Mai, Hà Nội) sau khi trực tiếp nghe bác sĩ giải thích đã đồng ý cho nàng dâu đến lớp yoga, nhưng buổi nào bà cũng đi theo để giám sát. Trước mỗi giờ học, bà đều kéo giảng viên ra một góc dặn không được để Trang tập mạnh.
Tuy nhiên, theo cô Nguyễn Ngọc Phương, giảng viên chuyên dạy yoga cho bà bầu của trung tâm AD Yoga Việt Nam, đối tượng này được thiết kế các bài tập riêng, do đó nếu tập theo đúng hướng dẫn thì không sợ nguy hiểm và tốt cho sức khỏe hai mẹ con. Tuy nhiên, việc tập luyện chỉ nên bắt đầu từ tháng thứ tư của thai kỳ. Trước khi tham gia tập, bà bầu cần đi khám, thực hiện một số xét nghiệm lâm sàng để xem tình hình sức khỏe có cho phép không, bởi yoga được khuyến cáo không nên áp dụng đối với các trường hợp ngộ độc thai nghén, dọa sẩy hoặc có tiền sử xẩy thai, rau tiền đạo, rau bám không chắc trong tử cung.
Cung không đủ cầu
Các lớp yoga được mở ngày càng nhiều, nhất là tại các thành phố lớn, nhưng lớp dành riêng cho bà bầu thì lại rất thiếu. Chị Vân ở Ba Đình, Hà Nội đã phải rất vất vả mới tìm được một lớp để tham gia. “Mình gọi điện đến trung tâm yoga nào cũng nhận được câu trả lời là không có lớp học cho bà bầu”, Vân nói.
Giải thích tình trạng này, giảng viên yoga Nguyễn Ngọc Phương cho biết, các trung tâm thường ngại mở lớp cho bà bầu vì đây là đối tượng rất đặc biệt, không phải trung tâm nào cũng có giảng viên đủ khả năng đảm nhận việc hướng dẫn, giám sát: “Họ không được vận động mạnh quá, lại rất nhạy cảm. Vậy nên để có thể đứng lớp yoga dành cho bà bầu, giảng viên không chỉ cần kiến thức về yoga mà còn phải có kỹ năng về y học, phải nhạy cảm, tinh tế trong cách ứng xử. Họ phải vừa là giảng viên, vừa là bác sĩ, nhà tâm lý”.
Thiếu lớp trong khi phong trào học yoga lên cao, nhiều bà bầu mua đĩa và tài liệu về tự tập ở nhà. Tuy nhiên, giảng viên Phương khuyến cáo, dù tự tập, chị em vẫn cần có sự giám sát của những người có chuyên môn. Nghĩa là trước khi tập, nên kiểm tra sức khỏe và gặp bác sĩ hay giảng viên yoga để được tư vấn, hướng dẫn. Trong quá trình tập tại nhà, nếu có điều gì khác lạ, hoặc khi sức khỏe không tốt, nên gọi điện hỏi ý kiến chuyên gia xem có nên tập hay không và tập như thế nào.
(Trần Thúy, Báo Đất Việt)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|