Yoga là một bộ môn khoa học . Yoga không phải là những kiến thức huyền bí , mù mờ mà là một hệ thống định luật nhằm mục đích tráng kiện thân thể, phát triển trí tuệ , khai thông tâm thức . Yoga phát xuất từ Ấn Ðộ , gồm đủ hai phương diện. Về mặt triết lý, nó phối hợp với hệ phái Sàmïkhya ( Số Luận), có những tư tưởng căn bản như một hệ thống triết hay một hệ phái hẳn hoi, xứng đáng liệt ngang hàng với các hệ phái khác.
Về phương diện thực hành, nó là một pháp môn tu dưỡng mà các hệ phái khác đều có . Yoga phiên âm là Du Già ( nhưng từ Yoga vẫn thông dụng hơn ) gốc tiếng Phạn có nghĩa là đặt mình dưới một cái ách, điều ngự, cột thắt lại, chuẩn bị, chuyên chú. Theo nghĩa nầy thì Yoga là luyện thân và luyện tâm, giúp hành giả nâng cao năng lực thân tâm cũng như những hoạt động của chúng trong chính mình, điều hoà chúng để rồi có thể tiến đến cấp bậc toàn hảo tâm linh.
Nguyên tắc thực hành Yoga là tư thế thân, điều chế các giác quan và tâm thức, cách điều vận hơi thở v.v... Trước hết, phải giữ vững tư thế của thân thể, các bộ phận ở phía trên người , gồm ngực, vai và đầu phải thẳng tắp, rồi hướng các giác quan và tâm ý vào trái tim . Kế đó là sự kiểm soát hơi thở . Thực tập cho đến khi nào các hơi thở thành trầm tĩnh, nhẹ nhàng, qua các lỗ mũi. Nhờ đó mà thu thúc tâm ý, như buộc chặt con ngựa chứng vào cỗ xe. Hành giả được khuyến cáo là nên thực tập yoga trong một hang đá cản được gió cao, hay tại một nơi cao ráo, trong sạch, không bị gây trở ngại bởi các tiếng động, của nước chẳng hạn, và nơi mà tâm trí có thể dễ dàng thơ thới, con mắt không bị gây khó chịu. Kết quả tiến bộ đầu tiên của yoga là sự khinh an và sảng khoái, tráng kiện của thân thể, vắng bặt ham muốn, da tươi nhuận, âm thanh êm tai, hương vị dịu ngọt.
Theo sách Upanishad ( Áo Nghĩa Thư ) Yoga có 6 phần :
- Điều tức là điều chế hơi thở ra vào , tách ly hơi thở vào và hơi thở ra để cho tâm thức được thuần phục .
- Chế cảm là thâu tóm các giác quan lại cũng như không để ý vào những đối tượng của chúng. Sự kiểm soát toàn hảo này chỉ có thể được thực hiện khi tâm thức đã được điều phục .
- Tĩnh lự là thiền. Dòng tâm thức tương tục được gắn vào đối tượng một cách tự nhiên, không bị một hoạt động tâm thức nào khác quấy nhiễu .
- Chấp trì là dán tâm vào một nơi, không cho tán loạn. Tập trung tâm thức vào một chỗ nhất định, rất cần thiết cho việc điều chế tâm thức, vốn có bản chất tán loạn, hồi hộp không yên. Những điểm tập trung được nhắc đến là xa luân ở khu vực tim, chóp mũi, đầu lưỡi v.v...
- Tầm tư là tư duy tìm hiểu.
- Tam-ma-địa là tâm an định . là đỉnh điểm của quá trình thiền định. Nhờ sự trình hiện chân thật của bản chất đối tượng mà hành giả đang quán chiếu, hành giả siêu việt ngay cả sự nhận thức đối tượng . Có hai dạng Tam-ma-địa :
Trong Tam-ma-địa có tư duy chủ động thì tâm thức của hành giả vẫn còn hoạt động mặc dù ông ta đã bị thu hút hoàn toàn bởi sự chuyên chú vào đối tượng đã chọn .
Trong Tam-ma-địa không còn tư duy thì sự nhận thức đối tượng tham quán tự hủy hoàn toàn và tâm thức của hành giả cũng ngừng hoạt động. Tâm thức tan biến .
Yoga là sự diệt trừ các tác dụng của tâm , cho đến khi các phẩm tính, được thu hồi trở lại trạng thái nguyên sơ, không bị chi phối và ràng buộc bởi thế giới vật chất. Các tác dụng của tâm trên bình diện tri thức gồm cả hai khía cạnh, hoặc đau khổ hoặc không đau khổ. Tu tập là nỗ lực đưa các tác dụng tâm này xuôi theo dòng thiện. Ở trong chiều đó, nhờ phân biệt chánh trí mà ta diệt trừ các tác dụng từng ý vốn là bất thiện, gây đau khổ.
Yoga có nhiều môn phái . Sau đây vài môn chính :
1-HATHA YOGA là một khoa luyện Âm Dương hiệp nhất. Nó giống khoa luyện khí công của người Trung Hoa. Vần HA tiêu biểu cho Mặt Trời là Dương. Vần THA tiêu biểu cho Mặt Trăng là Âm. Khoa nầy dùng cách hô hấp và phương pháp thể dục để thâu thập sinh lực vô mình. Có thể gọi nó là Khoa Luyện Trường Sanh. Ngày nay môn Yoga phổ biến và thịnh hành ở các nước Tây Phương là Hatha Yoga .
2- KARMA YOGA là con đường Hành động. Người tập Karma Yoga tin tưởng sự hiện hữu hiện tại là do các hành động của quá khứ ( Nghiệp) nên cố gắng hành động tốt , tư tưởng tốt , tạo nhân tốt để được quả tốt ở đời sau .
3- JNANA YOGA là con đường Minh Triết , luyện tập trí tuệ thông minh và hiểu biết sâu xa .
4- BHAKTI YOGA là con đường Sùng Tín (Sùng Ðạo) hay là con đường của Tình Thương . Người thực tập Bhakti Yoga sẽ thấy thượng đế ở trong tất cả mọi người nên không ganh ghét và hận thù bất cứ ai .
5- LAYA YOGA cũng gọi là Kundalini Yoga vì Yoga nầy chuyên lo mở luồng Hỏa Hầu Cung , nó ảnh hưởng tới các Luân Xa .
6- MANTRA YOGA dùng Thần Chú đặng làm cho cái Trí trở nên yên tịnh và còn nhiều sự hữu ích khác. Môn phái nầy thường bị hiểu nhầm là tà đạo vì sử dụng những công thức kỳ quặc , khó hiểu . Thực ra người thực hành Tantra Yoga phải tập nhận thức toàn diện và từ bỏ dục vọng , sống trong sạch , khiêm tốn , hiến dâng , dũng cảm , thiện tâm .
7- KRIYA YOGA tu theo cách khổ hạnh nhưng cũng học hỏi, cũng thờ phượng, cũng hiến dâng . Kriya Yoga tăng tuổi thọ và mở rộng tâm thức, nó kiểm soát trực tiếp tinh thần nhờ sanh lực. So sánh với con đường chậm chạp và không chắc chắn của Thần học thì Kriya Yoga giống như chiếc máy bay với cổ xe ngựa đời xưa.
Một yogi (người tập luyện yoga) muốn đạt đến đỉnh cao phải qua ngưỡng cửa của Hatha Yoga . Hatha Yoga là nền tảng của tất cả các môn Yoga, là cân bằng giữa căng và giãn, vận động và nghỉ ngơi. Gọi Hatha Yoga là dưỡng sinh tức là đánh thấp giá trị của nó vì trong Hatha Yoga có các môn khác và trong các môn khác đều có Hatha Yoga. Dù ở vào pháp môn nào, các bước căn bản mà một yogi phải theo là:
1- Giới (Yama) hay cấm chế . Những điều răn cấm không được vi phạm, có 5: không sát sanh , không nói dối , không trộm cướp, không tà dâm và không tham . Những răn cấm này được coi là có giá trị phổ biến, không hạn chế trong không gian, thời gian hay hoàn cảnh.
2- Luật (Niyama) hay khyến chế . Thực hiện các khuyến cáo: thanh tịnh , tri túc, khổ hạnh, học tập và tưởng niệm Thượng đế .
3- Điều thân (Asana) là điều nói về các tư thế, chẳng những làm chủ cơ thể mà còn phục hồi lại tất cả lệch lạc do đời sống mang lại đối với thể chất, tinh thần và tình cảm.
Có nhiều ngàn tư thế khác nhau , nhưng trên thực tế mỗi vị thầy yoga chỉ đưa ra vài chục và một yogi chỉ cần tập luyện từ 6 đến 10 tư thế hay chỉ một tư thế duy nhất (ví dụ tư thế Hoa sen hay Tọa thiền - Padmasana) tùy theo từng mục tiêu của họ. Tư thế ngồi hay tọa pháp là phép ngồi vững chắc và dễ chịu nhất , được coi là hoàn hảo khi nào không cần có cố gắng, khiến cho thân thể không bị dao động, hoặc khi tâm trí mở rộng vô hạn. Nhờ tư thế ngồi hợp cách mà khỏi bị gây phiền nhiễu bởi nóng và lạnh. Tư thế nầy được đạt qua tâm thư giãn tuyệt đối, qua tâm vô thức về các cặp đối nghịch như nóng lạnh, khổ lạc v.v... và qua sự quán chiếu cái tuyệt đối vô biên .
Theo các vị thầy nầy thì các quan năng khi đã khai mở (ngoài ngũ quan con người) sẽ kích thích, xoa nắn các tuyến hạch nằm sâu trong cơ thể, cộng với sự mềm dẻo của gân cốt, làm cho chúng ta lấy lại được cái vốn quý báu mà tạo hóa đã ban tặng. Sức khỏe càng tăng tiến thì mọi tính xấu như bi quan, mặc cảm, lo sợ dần dần bị xóa tan. Điều chú ý về tư thế , một tư thế dù khó nhất cũng sẽ làm được, hãy chọn cách nào thích hợp với lứa tuổi mình, tập tuần tự và kiên trì, không nôn nóng, nếu chưa thực hiện hoàn hảo cũng có tác dụng tốt như đã làm được.
4- Điều khí (Pranayama) kiểm soát và điều hòa hơi thở sau khi thân thể đã ngồi vững. Nên hiểu "khí" nơi đây trên cả dưỡng khí, là năng lượng vi tế chỉ có thể dẫn dắt bằng tâm trí đến một nơi hay toàn cơ thể. Luyện khí khá phức tạp và đa dạng. Người tập nên theo hướng dẫn của chân sư, vị thầy sẽ đưa ra từng cách vì lộ trình của người này tốt nhưng với kẻ khác thì không, và cũng tùy theo từng mục tiêu theo đuổi của mỗi cá nhân.
Thở có ba việc: thở ra, thở vào và ngưng thở, và điều khiển tùy theo vị trí, thời gian và số. Về nơi chốn, chú ý quan sát hơi thở khi vào thì đến vị trí nào trong ngực và bụng, khi ra thì đến đâu trong vũ trụ. Về thời gian, hơi thở đều đặn theo sự dài, ngắn, nhất định. Về số, tức đếm hơi thở, theo một con số với giới hạn nào đó. Như vậy, cho đến khi hơi thở dài và tế nhị. Cuối cùng là tâm và cảnh hợp nhất; tâm được tập trung trên một điểm duy nhất của đối tượng, không còn tán loạn .
5- Điều tâm (Pratyahara) hay chế cảnh , chế ngự các cảm quan và tách chúng ra khỏi những đối tượng ngoại giới, không buông thả chúng theo bản chất vốn luôn luôn hướng đến các đối tượng. Sự chế cảm là hướng chúng đến mục tiêu nội tại.
Năm phần Yoga trên là những bộ môn tu tập về tâm, thuộc ngoại phần tu tập , cũng gọi là hữu đức Yoga . Ba chi còn lại thuộc nội phần tu tập .
6- Tập trung (Dharana) hay chấp trì . Sau khi đã chế ngự được các cảm quan, tâm không còn tán loạn theo ngoại giới, bấy giờ chuyên chú trên một đối tượng của tu tập, như chóp mũi, giao điểm hai chân mày, hoa sen của trái tim, đan điền, hay hình ảnh của thần linh. Tâm phải an trụ vững vàng không dao động, như ngọn lửa không lung lay của một ngọn đèn. Không áp đặt tâm trí đến mức căng thẳng. Trạng thái phải nhẹ nhàng khoan thai.
7- Thiền (Dhyana) hay tĩnh lự . Thiền là trạng thái kéo dài của tập trung cộng thêm sự suy nghiệm đối tượng, sống với đối tượng đó, hay nói chính xác hơn là cá nhân thẩm thấu trong đối tượng hoặc đối tượng thẩm thấu trong cá nhân đến mức độ không còn là hai vật thể riêng biệt.
Thiền yoga đòi hỏi phải thực hành xong 5 giai đoạn trên trước khi khởi sự. Thời kỳ dài rèn luyện thân xác đó khiến cho cơ thể sẵn sàng tiếp nhận các phần việc sắp tới, và sau khi đã thích nghi với các điều kiện sống đơn độc, vô sản, vô gia cư, tâm trí hành giả cuối cùng mới có khả năng thực hành pháp yoga đích thực.
Thiền có hai loại:
Thiền có đề mục: Bằng cách có một đối tượng như vật thể, ý tưởng, một phần của cơ thể hay toàn bộ cơ thể của mình (quán nội quan). Nhìn về mặt thực dụng thì hình thức này là chìa khóa cho sự tiến hóa của nền văn minh nhân loại. Những phát minh, những bế tắc được tháo gỡ đều phải bằng hình thức tư duy, suy nghiệm kéo dài hay là thiền có đề mục vậy.
Thiền không đề mục: Tức là không còn đề tài hay đối tượng nữa. Điều lầm lẫn ở đây là không phải trạng thái tâm thức rỗng không mà phải suy nghiệm về cái trống không đó.
8- Định (Samadhi : tam ma địa, tam muội) hay đẳng trì , trạng thái hoàn toàn tập trung tư tưởng. Đây là giai đoạn cuối cùng của Yoga. Trong giai đoạn tĩnh lự , vẫn còn có sự phân biệt giữa năng và sở, nhưng đến đây sự phân biệt ấy biến mất, tâm hoàn toàn thể nhập làm một với đối tượng . Giai đoạn này là niềm mơ ước không những của các yogi mà còn của các tín đồ các tôn giáo khác. Gọi đó là hòa nhập vào "tâm thức của vũ trụ" hay "nhập niết bàn" hay "trở về bản lai diện mục" đều có ý nghĩa là đạt đạo. Trên thực tế ít có người đi tới đỉnh cao này.
Người tập Yoga thực hiện được sự hợp nhất. Trong đời sống hằng ngày, chúng ta thường phẫn nộ trước những điều xấu xa, những việc ác, xét đoán người nầy, kẻ nọ nhưng chúng ta sẽ không còn làm như vậy khi đã tiến đến sự hợp nhất. Người nào đã ý thức được sự hợp nhất, người ấy không xét đoán ai nữa cả , vì tất cả là một. Trong cái huy hoàng của một toàn thể hòa hợp, trong đó tất cả đều chan hòa là một, chỉ điều ấy thôi cũng đủ đưa cao chúng ta lên đời sống thiêng liêng tiến đến Chân Thiện Mỹ .
Lê Tấn Tài
< Lùi | Tiếp theo > |
---|